Bệnh mất trí nhớ ở người già: Những thông tin cần biết

Mất trí nhớ là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở người cao tuổi. Khi tuổi tác tăng lên, khả năng ghi nhớ và nhận thức của não bộ dần suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh mất trí nhớ ở người già không chỉ là dấu hiệu của sự lão hóa thông thường mà còn có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng như Alzheimer, suy giảm trí nhớ do mạch máu não hay các rối loạn thần kinh khác. Hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. 

Bệnh mất trí nhớ ở người già là gì?

Mất trí nhớ là một hội chứng bệnh lý về não bộ khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin, sự kiện, tên gọi hay các hoạt động hàng ngày. Đối với người già, mất trí nhớ có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, từ quên những việc đơn giản trong ngày cho đến việc mất khả năng nhận thức các mối quan hệ. Thậm chí bệnh mất trí nhớ ở người già có thể dẫn đến mất khả năng tự chăm sóc bản thân.

Bệnh mất trí nhớ ở người già
Bệnh mất trí nhớ ở người già là vấn đề thường gặp

Có hai loại mất trí nhớ phổ biến ở người già:

  • Mất trí nhớ ngắn hạn: Người bệnh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới, nhưng vẫn có thể nhớ được những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
  • Mất trí nhớ dài hạn: Người bệnh không chỉ quên thông tin mới mà còn quên những sự kiện quan trọng trong quá khứ, bao gồm cả những ký ức liên quan đến gia đình, bạn bè, và những hoạt động quen thuộc.

Đối tượng dễ mắc bệnh mất trí nhớ người già

Tuổi tác là yếu tố quan trọng nhất khi nói đến mất trí nhớ ở người già. Tuy nhiên, không phải ai khi bước vào độ tuổi cao đều dễ dàng mắc phải tình trạng này. Dưới đây là một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mất trí nhớ tuổi già:

  • Những người từ 65 tuổi trở lên, gặp nhiều áp lực trong cuộc sống dễ mắc bệnh mất trí nhớ ở người già.
  • Những người mắc các rối loạn tâm thần: Rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu,…
  • Những người gặp tổn thương não bộ: Tai biến mạch máu não, chấn thương não,…
  • Người sử dụng rượu, thuốc lá, hoặc các chất kích thích

Nguyên nhân gây bệnh mất trí nhớ ở người già

Bệnh mất trí nhớ người già đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là do sự lão hoá tự nhiên của não bộ hay do môi trường sống, các bệnh lý,….

Lão hóa tự nhiên

Mất trí nhớ người già do quá trình lão hoá của cơ thể
Mất trí nhớ người già do quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể

Quá trình lão hóa tự nhiên là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến trí nhớ của người già. Theo thời gian, các tế bào não có thể bị thoái hóa và giảm khả năng kết nối, dẫn đến sự suy giảm trong khả năng ghi nhớ. Tuy nhiên, mất trí nhớ do lão hóa không phải lúc nào cũng nghiêm trọng và có thể không ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh Alzheimer

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh mất trí nhớ ở người già. Bệnh Alzheimer là một bệnh lý thoái hóa thần kinh, gây mất dần các tế bào não và làm suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy và hành vi. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc nhận diện người thân, mất khả năng quản lý các công việc đơn giản hàng ngày, và đôi khi có thể không nhớ nổi tên của chính mình.

Bệnh mạch máu não

Bệnh mạch máu não
Một số bệnh liên quan đến tuần hoàn máu não cũng là nguyên nhân gây mất trí nhớ tuổi già

Một số người cao tuổi có thể bị suy giảm trí nhớ do các vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu não như: Huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu hoặc đột quỵ,…. Những yếu tố này làm giảm lượng máu và oxy cung cấp cho não, dẫn đến việc các tế bào não bị thiếu dưỡng chất và gây suy giảm chức năng.

Một số nguyên nhân khác

  • Một số bệnh lý khác: Bệnh Parkinson, u não, viêm não, nhiễm trùng, thiếu hụt vitamin (đặc biệt là vitamin B12), suy giáp…
  • Chấn thương đầu: Các chấn thương đầu nghiêm trọng có thể gây tổn thương não và dẫn đến bệnh mất trí nhớ ở người già.
  • Lối sống không lành mạnh: Việc hút thuốc, uống rượu bia quá mức, ít vận động. Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ.
  • Yếu tố di truyền: Một số trường hợp mất trí nhớ có liên quan đến yếu tố di truyền.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh mất trí nhớ ở người già

Triệu chứng mất trí nhớ ở người già
Những triệu chứng mất trí nhớ ở người già thường gặp

Bệnh mất trí nhớ người già thường phát triển từ từ và có thể không dễ dàng nhận ra ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Rối loạn trí nhớ: Quên các sự kiện gần đây, khó nhớ tên người, vật, địa điểm.
  • Khó khăn trong việc tìm kiếm từ ngữ: Đôi khi không nhớ được từ mình muốn nói.
  • Mất phương hướng: Khó khăn trong việc định vị bản thân trong không gian hoặc thời gian.
  • Rối loạn tư duy: Khó khăn trong việc tập trung, suy luận và giải quyết vấn đề.
  • Thay đổi hành vi: Hay cáu gắt, dễ bị kích động, lo lắng hoặc trầm cảm. 
  • Khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày như nấu ăn, lái xe.

Cách chữa bệnh mất trí nhớ ở người già

Cách chữa mất trí nhớ ở người già
Cách chữa mất trí nhớ ở người già

Hiện nay, chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh mất trí nhớ người già. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị và phòng ngừa có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Để điều trị mất trí nhớ hiệu quả cần chuẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh. Vậy nên khi phát hiện những dấu hiệu, bạn cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có liệu trình điều trị phù hợp.  

Để chẩn đoán chính xác bệnh mất trí nhớ ở người già, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, đánh giá các chức năng nhận thức và thực hiện các xét nghiệm bổ sung như:

  • Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân để khai thác thông tin và đánh giá mức độ bệnh.
  • Thăm khám lâm sàng thông qua kiểm tra chức năng thăng bằng, phản xạ, cảm giác,… để đánh giá tình trạng não bộ.
  • Thực hiện các bài test để kiểm tra nhận thức của người bệnh.
  • Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu: chụp cộng hưởng từ, chụp CT,… để phát hiện những bệnh lý hay tổn thương tại trung ương thần kinh,…

Các biện pháp phòng ngừa bệnh mất trí nhớ ở người già

Một số biện pháp giúp bạn phòng ngừa bệnh an toàn, hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe não bộ:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, vitamin, và khoáng chất (như omega-3, vitamin E, vitamin B) có thể giúp bảo vệ tế bào não khỏi sự tổn thương. Các thực phẩm như cá hồi, quả óc chó, rau xanh, và trái cây tươi rất tốt cho sức khỏe não bộ.
  • Tập thể dục đều đặn: Các hoạt động thể chất giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường oxy cho não. Từ đó hỗ trợ duy trì trí nhớ và sức khỏe tâm thần.
  • Rèn luyện trí não: Việc tham gia vào các hoạt động kích thích trí não như chơi cờ, đọc sách, học ngoại ngữ. Hoặc tham gia các hoạt động sáng tạo giúp cải thiện khả năng ghi nhớ và giữ cho trí não luôn minh mẫn.
  • Giảm stress bằng các bài thiền, yoga hoặc bài tập hít thở sâu có thể giúp giảm stress và bảo vệ sức khỏe não bộ.
  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Duy trì huyết áp, đường huyết ở mức ổn định, không hút thuốc và hạn chế rượu bia.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh lý như Alzheimer hay các vấn đề về tuần hoàn não.

Lời kết

Bệnh mất trí nhớ ở người già khá phổ biến ở những người từ 60 tuổi trở lên. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn chủ động điều trị và phòng ngừa. Nếu người thân của bạn đang gặp vấn đề về trí nhớ, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương án điều trị hoặc hỗ trợ kịp thời. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *