Mọi người vẫn thường hay nghĩ suy giảm trí nhớ là bệnh của người già. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh thường hay quên, không thể tập trung vào một vấn đề nào đó. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng của bệnh sẽ giúp bạn có các biện pháp điều trị và phòng ngừa kịp thời.
Suy giảm trí nhớ là gì?
Suy giảm trí nhớ hay còn gọi là chứng hay quên. Đây là tình trạng não bộ bị giảm chức năng ghi nhớ, tập trung và nhận thức thông tin. Khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các thông tin hay các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Không chỉ xuất hiện ở người già, tỉ lệ người trẻ tuổi mắc chứng bệnh này cũng ngày càng tăng cao. Trí nhớ bị suy giảm thường là kết quả của quá trình lão hóa tự nhiên của não bộ. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài hay có lối sống không khoa học,… cũng là nguyên nhân khiến trí nhớ bị suy giảm.
Bệnh có thể chỉ là tạm thời và có thể cải thiện được. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh diễn ra trong thời gian dài và trở nên nghiêm trọng thì có thể dẫn đến các bệnh lý như Alzheimer, teo não, Parkinson hoặc sa sút trí tuệ.
Những triệu chứng của bệnh
Suy giảm trí nhớ có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp của bệnh:
Giai đoạn đầu
Đây là giai đoạn thường bị mọi người bỏ qua vì nó khởi phát từ từ, khó nhận ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Hay quên: Quên những thông tin mới hoặc vừa biết cách đó không lâu.
- Quên mất thời gian: Các con số và ngày tháng.
- Đi lạc ở cả những nơi quen thuộc.
Giai đoạn giữa
Trong giai đoạn này, các triệu chứng của suy giảm trí nhớ dần trở nên rõ ràng hơn. Cụ thể:
- Quên các sự kiện quan trọng: Người bệnh có thể quên các cuộc hẹn, sinh nhật hay các sự kiện quan trọng khác.
- Khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động quen thuộc. Ngay cả những hoạt động đơn giản như nấu ăn, lái xe hoặc mua sắm cũng có thể trở nên khó khăn.
- Thay đổi về hành vi: Người bệnh có thể bị lạc khi đi trong khu vực mà họ thường xuyên qua lại. Hoặc đặt câu hỏi lặp đi lặp lại.
- Gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp.
Giai đoạn muộn
Các triệu chứng của suy giảm trí nhớ trở nên nghiêm trọng. Người bệnh không thể tự sinh hoạt và gần như phải phụ thuộc vào người khác. Các triệu chứng bao gồm:
- Thay đổi tâm trạng và hành vi: Người bệnh dễ bị kích động, dễ cáu kỉnh, bồn chồn hoặc cảm thấy lo lắng, trầm cảm.
- Không nhận thức được thời gian và địa điểm.
- Khó nhận ra người thân và bạn bè.
- Cần đến sự giúp đỡ của người khác trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trí nhớ bị suy giảm. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:
Tăng sinh các gốc tự do
Gốc tự do là các phân tử không ổn định được tạo ra do quá trình chuyển hóa cơ thể. Hoặc do các yếu tố bên ngoài như: khói bụi, hóa chất, tia tử ngoại, chất kích thích, stress, áp lực công việc và cuộc sống,… Não là nơi cần nhiều oxy nhất nên nơi đây diễn ra quá trình chuyển hoá mạnh, sinh ra nhiều gốc tự do. Các gốc tự do này ảnh hưởng lớn đến não bộ và gây nên các bệnh Alzheimer, đột quỵ, hay trí nhớ bị suy giảm,…
Tuổi tác
Tuổi tác là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến suy giảm trí nhớ. Khi già đi, não bộ của con người không còn hoạt động mạnh mẽ như trước, các tế bào thần kinh bị lão hóa và suy yếu. Từ đó làm giảm khả năng lưu trữ và xử lý thông tin.
Bệnh tật
Một số bệnh lý khiến trí nhớ bị suy giảm có thể kể đến như:
- Alzheimer: Đây là một bệnh lý não thoái hóa, khiến các tế bào não chết dần theo thời gian, phổ biến ở người cao tuổi.
- Sa sút trí tuệ: Do nhiều nguyên nhân khác nhau như đột quỵ, chấn thương đầu hoặc các bệnh lý khác liên quan đến mạch máu.
- Thiếu máu não: Khi không nhận đủ lượng máu cần thiết, chức năng của não bị suy yếu dẫn đến giảm khả năng ghi nhớ.
- Một số bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao hoặc tuyến giáp cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của não bộ.
Căng thẳng và lo âu
Tình trạng căng thẳng và lo âu kéo dài có thể làm gián đoạn chức năng của não, gây khó khăn trong việc lưu trữ và ghi nhớ thông tin. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh, làm giảm khả năng tập chung dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Chế độ ăn uống và lối sống
Chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất cần thiết cho não như omega-3, vitamin B, sắt hoặc chất chống oxy hóa. Ngoài ra, việc thiếu ngủ, sử dụng quá nhiều các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá và ít vận động cũng là yếu gây bệnh.
Chấn thương đầu
Các chấn thương đầu do tai nạn có thể gây tổn thương các mô não khiến trí nhớ bị suy giảm. Tình trạng này có thể xuất hiện ngay lập tức sau chấn thương hoặc phát triển dần theo thời gian.
Các biện pháp cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ
Để cải thiện tình trạng bệnh, người bệnh cần phối hợp nhiều phương pháp: điều trị các bệnh lý liên quan, thay đổi lối sống, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học,… Cụ thể:
- Tăng cường rèn luyện tư duy bằng cách đọc sách, giải đố, học một kỹ năng mới. Hoặc tham gia các hoạt động đòi hỏi tư duy có thể giúp não bộ duy trì khả năng ghi nhớ.
- Giải tỏa căng thẳng, áp lực bằng các biện pháp: thiền, yoga, hoặc hít thở sâu,…
- Tập thể dục thể thao điều độ giúp cơ thể khỏe mạnh, cải thiện khả năng lưu thông máu đến não, giúp bảo vệ và tăng cường chức năng não bộ.
- Bổ sung dinh dưỡng phù hợp, giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3 và các vitamin nhóm B để bảo vệ não bộ.
- Chú ý thời gian ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ giúp bảo vệ não bộ và duy trì trí nhớ tốt.
Suy giảm trí nhớ không chỉ đơn thuần là mất khả năng nhớ thông tin mà còn kéo theo nhiều tác hại khác, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhận diện sớm các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh giúp bạn có các biện pháp điều trị và phòng ngừa kịp thời.